
Trẻ bị chảy máu cam là hiện tượng bình thường khi cơ thể của bé quá nóng hoặc thiếu vitamin C…
Bài viết dưới đây của Gia Đình Sữa sẽ giúp cha mẹ sơ cứu đúng cách và tránh được những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra khi trẻ bị chảy máu cam.
Sơ cứu đúng cách tại nhà giúp trẻ cầm máu nhanh. Hướng dẫn chi tiết như sau:

- Trấn an, động viên và an ủi để trẻ không bị hoảng sợ khi nhìn thấy máu;
- Để trẻ ngồi thẳng lưng và đầu ngả về phía trước để xác định bên mũi chảy máu. Chú ý người thực hiện sơ cứu không ngửa đầu trẻ vì sẽ gây chảy máu ngược lại hốc mũi, xuống miệng khiến trẻ khó chịu, bị sặc, ho, có thể bị nôn;
- Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt 2 cánh mũi của trẻ vào vách ngăn mũi để ngăn không cho máu tiếp tục chảy, để trẻ thở bằng miệng, giữ trong khoảng 5 – 10 phút. Thao tác này giúp ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi, giúp máu ngừng chảy;
- Có thể chườm lạnh, đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá lạnh. Việc này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu mũi. Tuy nhiên, chỉ áp dụng biện pháp này nếu trẻ đồng ý phối hợp

- Cho trẻ uống thêm một chút nước mát để giảm căng thẳng và loại bỏ bớt mùi máu trong miệng;
- Sau 10 phút giữ tay ở mũi thì thả tay ra, kiểm tra xem máu đã ngừng chảy hay chưa. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì thực hiện lặp lại các bước trên một lần nữa. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc co mạch tại chỗ nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu theo hướng dẫn của bác sĩ (chú ý không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định);
- Khi máu đã ngừng chảy, cho trẻ sinh hoạt lại như bình thường nhưng cần tránh các hoạt động mạnh hay tập thể dục thể thao.
LƯU Ý:
Không nên yêu cầu trẻ xì mũi khi đã cầm máu vì việc này có thể làm bong cục máu đông trong mũi. Trường hợp trẻ bị chảy máu cam nhiều, nên xì ra trước khi bắt đầu ép cánh mũi;
Không cho trẻ ngửa đầu ra sau vì sẽ khó theo dõi lượng máu chảy;
Có thể thực hiện sơ cứu chảy máu mũi tương tự trên người lớn.