Tìm hiểu về Rốn trẻ sơ sinh
Rốn là một trong những bộ phận trọng yếu, khá nhạy cảm đối với cơ thể non nớt của trẻ sơ sinh. Nếu không được chăm sóc cẩn thận rốn của trẻ sơ sinh rất dễ bị viêm nhiễm và tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, rốn đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa mẹ và thai nhi, giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua bào thai để nuôi lớn thai nhi. Sau khi ra đời, các bác sĩ sẽ dùng thủ thuật kẹp và cắt dây rốn. Dấu tích của dây rốn lúc này sẽ chỉ còn lại một đoạn vài cm ở cuống rốn và sẽ rụng trong khoảng từ 5 đến 10 ngày sau sinh.

Nhiều mẹ sẽ lo lắng trong thời gian chờ rốn rụng không biết nên chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như thế nào? Thậm chí nhiều người còn lo ngại không dám vệ sinh rốn cho con vì sợ sẽ gây đau cho bé.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc vệ sinh rốn cho trẻ không gây đau nhưng nếu mẹ để rốn trong tình trạng không sạch sẽ, nhiễm trùng thì mới là nguyên nhân gây đau nhức và dẫn đến nguy hiểm cho trẻ.
Theo các bác sĩ cho biết, hiện nay còn rất nhiều các bậc phụ huynh tin rằng bôi thuốc đỏ, đắp lá, rắc hạt tiêu v.v… có thể giúp rốn trẻ mau khô và nhanh rụng. Đây đều là những việc làm có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng rốn, dẫn đến biến chứng lở loét, nhiễm trùng máu, chết não, thậm chí dẫn đến tử vong… Các mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh cũng rất cẩn trọng với việc vệ sinh rốn. Tuy nhiên, cũng không ít mẹ vì thiếu hiểu biết hoặc non kinh nghiệm mà mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
Dưới đây là 4 việc mẹ không được làm với rốn trẻ sơ sinh:
1. Không thoa dầu lên rốn trẻ sơ sinh
Điều tối kỵ nhất khi vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh chính là để rốn bị ẩm ướt. Nhiều mẹ hay có thói quen thoa dầu lên bụng, thóp và lòng ngực của trẻ để giúp giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên đối với những trẻ mới sinh chưa rụng rốn thì hành động này sẽ khiến rốn trẻ bị ẩm, gây viêm và nhiễm trùng rốn.

Mẹ tuyệt đối không được thoa dầu lên rốn trẻ
2. Bôi thuốc lạ lên rốn cho trẻ
Theo kinh nghiệm dân gian việc đắp lá, bột tiêu… có thể giúp cuống rốn mau khô, nhanh rụng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Theo các chuyên gia y tế, mẹ nên để rốn của trẻ khô tự nhiên, không nên bôi, đắp bất cứ thứ gì lên rốn của bé ngay cả các loại kem dưỡng da để tránh tình trạng nhiễm trùng, và để lại nhiều di chứng nguy hiểm cho trẻ.

Mẹ tuyệt đối không được bôi thuốc lạ lên người con
3. Tự ý giật núm rốn trước khi dây rốn tự rụng
Việc rốn tự khô và rụng là quá trình tự nhiên, và không cần sự can thiệp của mẹ. Giật, kéo cuống rốn của bé khi rốn chưa đủ “chín” có thể gây đau, chảy máu và nhiễm trùng.

Mẹ không nên dùng tay tác động trực tiếp đến quá trình rụng rốn
4. Không để tã cọ vào rốn trẻ sơ sinh
Khi mặc tã cho trẻ các mẹ nên lưu ý gấp phần tã ở phía trên, dưới rốn trẻ. Tuyệt đối không để bất cứ vật gì có thể cạ cọ vào rốn của trẻ để tránh gây trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rốn.

Mẹ nên chú ý khi mặc tã cho con
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Để chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh một cách tốt nhất mẹ cần chuẩn bị một số dụng cụ chăm sóc rốn như: cồn 70 độ, bông vô trùng, gạc vô trùng. Mỗi lần vệ sinh rốn cho trẻ cần rửa tay bằng xà phòng thật sạch. Gỡ gạc cũ ra, dùng bông đã thấm cồn: 1 miếng lau từ chân rốn ngược lên cuống rốn, 1 miếng lau vòng quanh rốn, chỗ tiếp xúc với da bụng, rồi lau rộng da xung quanh rốn. Để khô, sau đó thay gạc mới, đặt lên rốn rồi kéo băng rốn mới lên.

Cuống rốn trẻ sơ sinh sẽ khô dần rồi tự rụng sau khoảng 5-15 ngày sau khi bé chào đời.
Trong khoảng thời gian rốn mới rụng, các mạch máu rốn sẽ là ngõ vào của các vi trùng gây bệnh. Bởi vậy, khi rốn đã rụng vẫn nên duy trì vệ sinh rốn bằng cồn rồi che rốn bằng gạc mỏng, giữ sạch chỗ lên da non cho đến khi rốn khô hẳn.
Bên cạnh đó, trường hợp mẹ thấy rốn con có mủ hoặc rớm máu, mùi hôi, cần dùng nước ôxy già để rửa, chờ khô, đặt gạc mỏng lên. Làm như vậy 3 lần/ngày. Trường hợp phát hiện chỗ rốn có sưng đỏ, rốn rỉ dịch, có mủ hoặc vẫn còn ướt sau khi rụng, rốn có mùi hôi, trẻ sốt, bỏ bú thì cần đưa đến cơ sở ý tế kịp thời.
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ của Gia Đình Sữa, hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức chăm sóc trẻ nhỏ một cách khoa học, đúng đắn để đem lại cho con những điều tốt đẹp, phù hợp.